Bảng thư: Vẻ đẹp của thư pháp cỡ đại
Thư pháp từ lâu đã không còn là điều xa lạ khi nhắc đến văn hóa Trung Hoa. Nhưng có lẽ ít ai biết đến 榜书 /Bǎng shū/ (Bảng thư), một loại hình thư pháp âm ỉ chảy giữa dòng lịch sử Trung Quốc và đến hiện tại vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống thường nhật.
Hành trình lịch sử của Bảng thư
署书 /Shǔ shū/ (Thự thư), 擘窠大字 /Bāi kē dàzì/ (Phách khoa đại tự), 榜书 /Bǎng shū/ (Bảng thư) lần lượt là tên gọi của loại hình thư pháp cỡ đại qua thời gian của các triều đại Trung Quốc. Lịch sử ghi nhận, từ thời Tần đã xuất hiện loại hình thư pháp này dưới tên gọi “Thự thư”, khi người xưa dùng nét chữ cỡ lớn để tôn vinh công đức của vua chúa và trang trí nơi cung điện, ngự uyển. Theo dòng thời gian, đến thời Đường và Tống, loại hình này được gọi là “Phách khoa đại tự”. Đến thời Minh, Thanh bắt đầu phổ biến với tên gọi “Bảng thư”.
Hình ảnh “Bảng thư” được trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật thư pháp Hoành Sơn (Nguồn: Hoa Lạc)
“Bảng thư” khởi nguồn từ việc viết chữ ca ngợi công đức của vua chúa và dùng để trang trí cung điện, vườn ngự uyển hoàng gia. Dần dà nó được phát triển thành các kiểu khắc chữ tại nhà các trọng thần, đền thờ, chùa miếu, các thành lầu hoặc cửa ải trọng yếu.
Lịch sử “Bảng thư” không chỉ là câu chuyện của kích thước, mà còn ghi dấu những tâm tư và tầm vóc của thời đại. Một nét bút lớn, mạnh mẽ bên cạnh để gây ấn tượng, còn bộc lộ khí phách, tinh thần và sự trường tồn của những giá trị văn hóa cổ xưa.
Khi nghệ thuật chạm đến cảm xúc
Nét độc đáo của “Bảng thư” không chỉ nằm ở kích thước “cỡ đại” đầy ấn tượng mà còn thể hiện được khí chất, sự sống động, tính độc đáo, nguyên bản mà qua đó giúp truyền cảm hứng và mang đến nguồn năng lượng vô hình, choáng ngợp cho người nhìn. Chỉ cần đứng trước một tác phẩm “Bảng thư”, bạn có thể cảm nhận được luồng năng lượng sống động lan tỏa, như thể tác phẩm ấy đang “thở” cùng không gian, đang chuyển động, chuyện trò cùng bạn.
Bảo tàng nghệ thuật thư pháp Hoành Sơn (Nguồn: Hoa Lạc)
Không dừng lại đó, “Bảng thư” còn vẽ nên trong ý nghĩ người thưởng lãm những cảm xúc, tính cách hay câu chuyện của người chấp bút chỉ dựa trên màu mực đậm-nhạt, nét bút mượt mà hay cứng cáp, thưa hay dày cũng như cấu trúc và bố cục chữ viết, chất liệu được viết lên… Đó là sự kết nối với những thế hệ đi trước, những con người đã dành trọn tâm huyết để tạo nên những đường nét, những con chữ đầy sức sống.
Bảng thư thời hiện đại
Nếu bạn hỏi ngày nay “Bảng thư” có còn hiện diện không? Câu trả lời chắc chắn là “Có!”. Dễ thấy nhất là ở những con phố người Hoa vẫn xuất hiện các bảng tên, bảng hiệu viết tay cỡ đại hoặc người ta vẫn ứng dụng “Bảng thư” vào tác phẩm ngoài trời, công trình điêu khắc chữ tại các khuôn viên công cộng, chùa chiền…
Tác phẩm hiện đại lấy cảm hứng từ “Bảng thư” (Nguồn: Hoa Lạc)
“Bảng thư” dù có đi qua nghìn năm lịch sử vẫn vẹn nguyên giá trị trong đời sống hiện đại, len lỏi qua từng góc phố ngõ hẻm, hiện diện đâu đó giữa đời thường và đôi lúc cũng được nâng tầm, trở thành những tác phẩm sáng tạo ấn tượng và đầy thu hút.
Nhóm thực hiện
Hoa Lạc