Trẻ em Trung Quốc học chữ như thế nào?

Bạn có bao giờ tự hỏi liệu trẻ em Trung Quốc học chữ Hán như thế nào không?. Không giống như bảng chữ cái Latin với chỉ 26 ký tự, chữ Hán có đến hàng nghìn ký tự phức tạp. Điều này khiến việc học chữ trở thành một hành trình dài và đầy thử thách với các bé nhỏ. Tuy nhiên, trẻ em Trung Quốc vẫn có thể đọc thông viết thạo hàng nghìn chữ từ khi còn nhỏ. Bí quyết của các bé là gì? Mình khám phá cùng Hoa Lạc nhé!
Trẻ em Trung Quốc học chữ từ khi nào?
Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em Trung Quốc đã tiếp xúc với chữ Hán qua sách tranh, truyện cổ tích và các bài hát thiếu nhi. Đến khoảng 3-4 tuổi, nhiều bé đã nhận diện được một số chữ cơ bản như tên của mình hay các từ quen thuộc như “ba” (爸爸 /bàba/) và “mẹ” (妈妈 /māma/). Khi bước vào lớp 1, bé sẽ bắt đầu hành trình học chữ Hán một cách bài bản trong chương trình tiểu học.
Ở nhiều gia đình, việc học chữ được lồng ghép vào các hoạt động hàng ngày: ba mẹ viết chữ lên bảng nhỏ trong nhà, lặp đi lặp lại những từ đơn giản để con dễ nhớ, hoặc tổ chức các trò chơi nhận diện chữ. Nhờ vậy, các bé được tiếp xúc với chữ Hán một cách tự nhiên, không bị áp lực.

Trẻ em Trung Quốc mất bao lâu để học hết chữ Hán?
Không giống bảng chữ cái Latin với số lượng ký tự cố định, chữ Hán đòi hỏi một quá trình học tập lâu dài. Tuy nhiên, trẻ em Trung Quốc không cần học tất cả một lúc mà sẽ dần tiếp thu theo từng giai đoạn. Theo chương trình giáo dục Trung Quốc:
- Lớp 1-2: Trẻ học khoảng 800-1000 chữ, đủ để đọc hiểu các văn bản đơn giản.
- Lớp 3-4: Lượng chữ tăng lên 2000 chữ, giúp trẻ đọc sách giáo khoa mà không gặp nhiều khó khăn.
- Lớp 5-6: Học thêm khoảng 3000 chữ, đạt mức gần như thành thạo.
- Trung học cơ sở: Tiếp tục mở rộng vốn từ lên 3500-4000 chữ, đủ để đọc báo, sách và hiểu hầu hết tài liệu bằng tiếng Trung.
Với hệ thống này, đa số học sinh Trung Quốc có thể đọc thông viết thạo và sử dụng chữ Hán một cách tự tin vào cuối bậc tiểu học.
Phương pháp học chữ Hán của trẻ em Trung Quốc
Học qua Pinyin
Trước khi viết chữ Hán, trẻ em Trung Quốc được học hệ thống phiên âm Pinyin – công cụ giúp phát âm chính xác trước khi ghi nhớ mặt chữ. Ví dụ:
- “好” /hǎo/ có nghĩa là “tốt”.
- “谢谢” /xièxie/ nghĩa là “cảm ơn”.
Nhờ có Pinyin, trẻ có thể phát âm và giao tiếp cơ bản ngay cả khi chưa ghi nhớ toàn bộ chữ Hán. Nhiều phụ huynh khuyến khích con luyện Pinyin bằng cách đọc to mỗi ngày, tham gia các trò chơi ghép âm và nhận diện chữ.

Học qua hình ảnh và câu chuyện
Chữ Hán có nguồn gốc từ chữ tượng hình, vì vậy trẻ em Trung Quốc thường học chữ qua hình ảnh và các câu chuyện liên tưởng thú vị. Ví dụ:
- Chữ “山” /shān/ trông giống ba ngọn núi.
- Chữ “日” /rì/ có hình dáng tượng trưng cho mặt trời.
- Chữ “火” /huǒ/ giống một ngọn lửa đang bùng cháy.

Khi bé liên hệ chữ với hình ảnh quen thuộc, quá trình ghi nhớ trở nên dễ dàng và lâu bền hơn. Nhiều ba mẹ còn khuyến khích con vẽ lại chữ theo cách riêng của mình để tạo ấn tượng sâu sắc hơn.
Viết chữ theo nét
Sau khi nhận diện chữ, các bé bắt đầu tập viết theo quy tắc bút thuận. Một số quy tắc viết cơ bản như:
- Trên trước dưới sau
- Trái trước phải sau
- Nét ngang trước, sổ dọc sau.
- Phẩy trước mác sau
- Ngoài trước trong sau
- Vào trước đóng cửa sau
- Giữa trước hai bên sau

Ví dụ, khi viết chữ “人” (/rén/ – người), bé phải viết nét xiên trái trước rồi mới đến nét xiên phải. Để việc luyện viết không trở nên nhàm chán, trẻ có thể viết lên cát, dùng bút nước viết lên vải, hoặc luyện viết trên ứng dụng điện tử và khi trẻ hiểu được nguồn gốc và ý nghĩa của từng chữ, việc học sẽ trở nên thú vị hơn.
Học theo bộ thủ
Bộ thủ là một trong những chìa khóa giúp trẻ em Trung Quốc ghi nhớ và đoán nghĩa chữ Hán dễ dàng hơn. Ví dụ:
- Bộ thuỷ 水 (氵) thường sẽ đi với những chữ liên quan đến nước: 河 (/hé/ – sông), 洗 (/xǐ/ – rửa).
- Bộ mộc 木 thường sẽ đi với những chữ liên quan đến cây: 林 (/lín/ – rừng), 杪 (/miǎo/ – ngọn cây)
Khi nắm vững các bộ thủ, các bé có thể suy luận nghĩa của từ mới, giúp cho việc học và ghi nhớ từ vựng trở nên dễ dàng hơn và có hệ thống hơn.

Việc học chữ Hán có thể là một hành trình dài đầy thử thách, nhưng với phương pháp phù hợp và sự kiên nhẫn, trẻ em Trung Quốc có thể làm chủ ngôn ngữ này một cách tự nhiên. Nếu ba mẹ đang hướng dẫn bé học tiếng Trung, hãy thử áp dụng những phương pháp này để giúp con tiếp thu dễ dàng hơn.
Thực hiện
Thảo Phương