[Hiểu chữ rõ nghĩa] “Phong sát” là gì mà người nổi tiếng Trung Quốc e sợ?

Những năm gần đây, chúng ta đã nghe rất nhiều lần chữ “phong sát” xuất hiện, đặc biệt là trong giới nghệ sĩ nói chung và showbiz Trung Quốc nói riêng. Phong sát thật chất có nghĩa là gì và vì sao các minh tinh trong làng giải trí tỷ dân lại vô cùng e sợ hai chữ này?
Giải mã “Phong sát”
封杀 /Fēng shā/: Phong sát là sự chắp ghép của hai chữ: (1) 封 /Fēng/ có nghĩa là niêm phong, phong toả và (2) 杀 /Shā/ nghĩa là giết, triệt tiêu. 封杀 (Phong sát) theo “Hiện đại Hán ngữ từ điển” lý giải là dùng biện pháp phong tỏa hoặc cấm đoán để khiến một người hay sự việc không thể tồn tại trong một lĩnh vực nhất định.

Thuật ngữ này được dùng khá phổ biến trong đa lĩnh vực khác nhau tại Trung Quốc nổi bật như thể thao, báo chí truyền thông, giáo dục, nghệ thuật… nhưng trở nên thịnh hành và quen thuộc với cư dân mạng trong những năm gần đây khi Trung Quốc bắt đầu tăng cường kiểm soát đối với các nghệ sĩ.
Vì sao nghệ sĩ ở Trung Quốc bị phong sát?
Tại Trung Quốc, nghệ sĩ có thể bị phong sát vì nhiều lý do khác nhau, từ vi phạm pháp luật, phát ngôn chính trị nhạy cảm, đến scandal đời tư hay ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.
Khi nhắc đến các hành vị vi phạm pháp luật thì chúng ta không thể không kể đến việc trốn thuế, sử dụng chất cấm hay quấy rối trẻ vị thành niên. Đây là những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến phong sát, do chính quyền Trung Quốc siết chặt việc kiểm soát các hành vi gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Một số nghệ sĩ nổi tiếng như Phạm Băng Băng, Đặng Luân, và Ngô Diệc Phàm đã bị chính quyền trung quốc cấm sóng vì những hành vi trên.
Bên cạnh đó, nghệ sĩ có thể bị phong sát do vấn đề đạo đức hoặc bê bối đời tư bị dư luận lên án nặng nề như ngoại tình, mang thai hộ, bỏ rơi con cái. Người Trung Quốc từ xưa đến nay luôn có quan niệm đạo đức rõ ràng trong chuyện tình cảm vợ chồng cũng như vấn đề con cái. Đại để những việc bỏ rơi con cái hay ngoại tình là điều không thể chấp nhận trong xã hội Trung Quốc. Hơn nữa, tại Trung Quốc càng không cho phép hình thức mang thai hộ. Dó đó sự vụ của nữ diễn viên Trịnh Sảng vào 2021 liên quan đến mang thai hộ được coi là nguồn cơn cho các cuộc phong sát diện rộng và chính quyền Trung Quốc bắt đầu tăng cường rà soát, kiểm tra nghiêm ngặt hơn các nghệ sĩ.
“Bản án chung thân” đối với nghệ sĩ Trung Quốc
Phong sát ở Trung Quốc không đơn thuần là bị cấm sóng hay bị mất các hợp đồng, mà còn là sự “xóa sổ” hoàn toàn khỏi ngành giải trí. Khi một nghệ sĩ bị phong sát, họ gần như không còn cơ hội quay lại và phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng cả về sự nghiệp lẫn cuộc sống cá nhân.
Những nghệ sĩ mà bị chính quyền cấm sóng, tất cả các bộ phim của họ đều bị gỡ bỏ trên mọi nền tảng chiếu phim. Các tài khoản mạng xã hội như Weibo, Douyin,… đều bị hạn chế tương tác hoặc cấm ngôn vĩnh viễn. Ngoài ra, những hợp đồng quảng cáo sẽ bị chấm dứt và nghệ sĩ phải đứng trước nguy cơ đền hợp đồng với số tiền khổng lồ.

Với những hậu quả nặng nề mà nó mang lại thì phong sát luôn là nỗi ám ảnh với các nghệ sĩ, nó như một chiếc vòng kim cô đè nặng lên tâm trí họ. Tuy hà khắc là thế, nhưng việc phong sát những nghệ sĩ vi phạm các chuẩn mực đạo đức, pháp luật được mọi người xem là hành động “thanh tẩy” cho làng giải trí và đồng thời cũng là cách những nhà cầm quyền có thể kiểm soát ngành công nghiệp giải trí nước nhà.
Thực hiện
Minh Roon