Hoa Lạc Kể
18 tháng 3 2025

7 phút đọc

Bát Tiên (八仙) là ai mà được truyền tụng trong văn hoá Trung Hoa?

Trong bức tranh văn hóa Trung Hoa rực rỡ sắc màu, Bát Tiên (八仙) nổi lên như một biểu tượng của sự trường sinh, điềm lành và những phép màu nhiệm. Tám vị tiên, mỗi người một vẻ, một tích truyện riêng, đã cùng nhau tạo nên một huyền thoại lan tỏa qua hàng thế kỷ, in dấu trên những bức họa, gốm sứ và vật phẩm trang trí, mang theo ước nguyện về một cuộc sống an lạc, hạnh phúc.

Bát Tiên (八仙), họ là ai?

Bát Tiên được hiểu nôm na là 8 vị tiên của Trung Quốc. Theo Đạo Lão tương truyền rằng, 8 vị tiên này đều đã nếm qua rượu và đào tiên nên bất tử và được coi là biểu tượng của sự trường sinh và những điềm lành.

Mỗi vị tiên trong Bát Tiên đều có một tích truyện và pháp khí riêng, gắn liền với những giai thoại và điển tích lưu truyền trong dân gian. Họ không chỉ là những nhân vật huyền thoại mà còn là những hình tượng gần gũi, gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân Trung Hoa.

Cùng Hoa Lạc tìm hiểu về từng vị tiên trong bài viết này nhé!

Hán Chung Ly (汉钟离)

Là một vị đại tướng dưới thời Đông Hán vì vậy ông mang họ Hán, tên là Chung Ly. Hán Chung Ly được miêu tả có thân hình mập mạp với bộ râu xoăn và đôi mắt hiền từ. Ông thường mặc áo phanh trần, để lộ chiếc bụng tròn. Bên tay cầm chiếc quạt có khả năng cải tử hoàn sinh. Do đó ông được xem là vị tiên của sức khỏe và mang quyền năng chữa bệnh.

Lã Động Tân (吕洞宾)

Thường được dân gian tôn là thần giải mộng, thần khoa khảo, thần đào vàng, tổ nghề tóc… Lã Động Tân tay cầm phất trần để chữa bệnh và dùng kiếm pháp vốn mang phép thuật để xua đuổi những linh hồn quỷ dữ và loại bỏ những nguồn năng lượng xấu.

Tào Quốc Cữu (曹国舅)

Vốn là em ruột của Tào Thái hậu dưới đời vua Tống. Tào Quốc Cữu tay cầm thẻ bài ngọc giúp làm sạch môi trường. Đặc biệt, ông còn có ngón nghề gõ phách nhịp, nên được xưng tụng là ông tổ của kịch diễn và nghệ sĩ.

Trương Quả Lão (张果老)

Là một thuật sĩ giang hồ, Trương Quả Lão thường cưỡi lừa và mang theo bên mình chiếc trống cơm. Ông nắm giữ sự thông thái của tuổi già, mang lại sự minh mẫn cho những người cao tuổi.

Lam Thái Hoà (蓝采和)

Là vị tiên sở hữu ngoại hình đặc biệt nhất trong Bát Tiên vì đôi lúc ông mang tạo hình nam, lúc lại mang tạo hình nữ nhưng trên tay luôn xách theo một giỏ hoa, mặc áo màu xanh lam, đeo dây lưng, một chân đi đất, một chân mang giày. Lam Thái Hòa là một vị tiên mang đến sức khỏe và niềm vui cho gia đình.

Thiết Quải Lý (铁拐李)

Hay còn gọi là Lý Thiết Quải, mang diện mạo nghiêm trang, tính khí ngay thẳng, trong sạch, học rộng biết nhiều. Ông luôn đối xử nhân từ với tất cả người dân nghèo khổ và bệnh tật. Lý Thiết Quải là vị tiên tượng trưng cho trí tuệ và sự sáng suốt.

Hàn Tương Tử (韩湘子)

Sở hữu biệt tài thổi sáo điệu nghệ, tiếng sáo của Hàn Tương Tử thu hút những điềm lành, giúp muông thú, cỏ cây phát triển và sản sinh mạnh mẽ.

Hà Tiên Cô (何仙姑)

Là vị tiên nữ duy nhất trong số Bát Tiên của Đạo giáo (không tính Lam Thái Hoà). Hà Tiên Cô mang hình dáng của một phụ nữ xinh đẹp, tay cầm hoa sen. Tương truyền bông hoa sen trên tay Hà Tiên Cô giúp cho sức khoẻ của con người trở nên tốt hơn.

Bát Tiên (八仙) không chỉ là biểu tượng thần tiên xa rời trần thế. Họ là biểu tượng của sự bất tử, không phải là sự trường sinh vô nghĩa, mà là sự trường tồn của những giá trị đạo đức, phẩm chất tốt đẹp. Bát Tiên phản ảnh niềm tin và hy vọng của người dân Trung Hoa vào một xã hội nơi lòng nhân ái ngự trị, công lý được thực thi, và niềm lạc quan tỏa sáng.

Không phải ngẫu nhiên khi qua nhiều thế kỉ, hình ảnh 8 vị tiên vẫn là một phần không thể thiếu khi nhắc đến văn hóa dân gian Trung Hoa.

Nhóm thực hiện
Hoa Lạc

CÁC BÀI VIẾT KHÁC
Ở Hoa Lạc không chỉ có hành trình “mở chữ" mà còn đong đầy những câu chuyện kể về văn hoá, lịch sử, về hơi thở thời đại của dân tộc Trung Hoa.
TƯ VẤN HỌC THỬ MIỄN PHÍ

Hoa Lạc chỉ sử dụng thông tin vào mục đích tư vấn khóa học, không sử dụng vì mục đích thương mại khác.