Hoa Lạc Kể
23 tháng 2 2025

8 phút đọc

Cờ vây – Tinh hoa tri thức của cổ nhân Trung Quốc

Cờ vây là môn cờ cổ nhất trong lịch sử và là một trong Tứ nghệ của Trung Quốc (Cầm, Kỳ, Thi, Hoạ trong đó Kỳ chính là cờ). Đặc điểm của loại cờ này là hai người chơi sẽ cầm quân cờ trắng và cờ đen, luôn công kích và bao vây lẫn nhau do đó có tên là “cờ vây” (围棋 /Wéiqí/). Chính vì cách chơi như vậy, cờ vây được xem là bộ môn phản ánh chiến thuật, tài mưu lược và trí tuệ của hai bên cầm quân đồng thời còn biểu trưng cho triết lý sống, giá trị nghệ thuật của Trung Hoa xưa.

Nguồn gốc của cờ vây – Một trong “Tứ nghệ” Trung Hoa

Cờ vây ra đời cách đây hơn 4000 năm và tương truyền rằng Vua Nghiêu chính là người đã sáng tạo ra môn cờ này mục đích ban đầu hòng để giáo dục con trai Đan Chu vốn tính bốc đồng, thiếu kiên nhẫn. Vua Nghiêu đã tạo ra bàn cờ với những quân đen trắng mô phỏng sự vận hành của vũ trụ và các nguyên tắc trị quốc nhằm giúp con rèn luyện sự kiên nhẫn, suy nghĩ thấu đáo và học cách tư duy chiến thuật.

Không dừng lại ở bờ cõi Trung Quốc, cờ vây được truyền bá và trở nên phổ biến tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Một cuộc khảo sát năm 2016 của Liên đoàn Cờ vây Quốc tế tại 75 quốc gia thành viên cho thấy có hơn 46 triệu người trên thế giới biết chơi cờ vây, trong đó hơn 20 triệu người đang chơi thường xuyên, phần lớn sống ở khu vực Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Luật chơi và phong cách cờ vây Trung Quốc

Cờ vây được chơi trên một bàn cờ lưới hình vuông gồm 19 đường ngang và 19 đường dọc (19×19), nhưng cũng có phiên bản nhỏ hơn (9×9 hoặc 13×13). Mỗi người sẽ điều khiển một màu cờ, người cầm quân đen luôn được đi trước. Hai người chơi lần lượt đặt quân đen và trắng vào giao điểm trống trên bàn cờ, tiến hành giao tranh và bao vây đối phương.

Nhìn tổng thể thì các tuyển thủ Trung Quốc có phong cách chơi rất đặc biệt, họ hướng đến việc kiểm soát thế trận trên bàn cờ ngay từ đầu. Họ tập trung xây dựng nền móng vững vàng trước khi quyết định tấn công đối thủ. Việc xây dựng thế cờ ngay từ đầu giúp các tuyển thủ linh hoạt và dễ dàng điều khiển diễn biến trận đấu theo ý mình.

Những nhầm lẫn về “tinh hoa” trong giới cờ

Nhiều người nhầm lẫn cờ tướng xuất phát từ Trung Quốc còn cờ vây xuất phát từ Nhật Bản (do Nhật Bản có nền cờ vây phát triển rực rỡ). Nhưng thực chất, nhiều học giả cho biết cờ tướng có nguồn gốc từ trò chơi Chaturanga (hay Saturanga), một loại cờ cổ được phát minh ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ V đến VI. Từ Ấn Độ, Chaturanga lan truyền theo hai hướng: về phía Tây trở thành cờ vua, và về phía Đông phát triển thành cờ tướng. Còn cờ vây có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó được du nhập vào Nhật Bản vào khoảng thế kỷ 7, khi các sứ thần Nhật Bản sang Trung Quốc học tập.

Khác với cờ tướng hay cờ vua có sức nặng khác nhau giữa các quân cờ (tốt khác với vua hay hậu), cờ vây trong khi đó lại thể hiện một xã hội của sự cân bằng với triết lý âm – dương với hình ảnh quân đen – trắng và trao quyền bình đẳng cho mỗi quân cờ. Các quân cờ đều có giá trị tương tự nhau, khi kết nối càng nhiều quân cờ sức mạnh sẽ càng tăng và giúp người chơi ghi điểm tốt hơn. Đó là hình ảnh của sự đoàn kết!

Ngoài ra, trong quá trình chơi cờ mỗi người sẽ tự nghiệm ra cho mình những đạo lý riêng rẽ. Lẽ đó, các nho sĩ, tướng quân và hoàng đế thời xưa đều chọn đánh cờ vây vừa để đàm đạo, chiêm nghiệm song song đó vừa phát triển tư duy chiến thuật cũng như rèn dũa tính cách của bản thân.

Có thể nói, cờ vây không đơn thuần là một trò chơi mà còn là bộ môn nghệ thuật, ẩn chứa những triết lý sâu sắc của cổ nhân Trung Hoa. Đó là sự hòa quyện tinh tế giữa những biến hóa khôn lường trong từng nước cờ và lối chơi tự do, không gò bó, giúp nâng cao tư duy, rèn luyện tính kiên nhẫn và năng lực sáng tạo. Nếu có thời gian bạn hãy trải nghiệm, chơi thử một lần môn cờ độc đáo này cùng với bạn bè, người thân nhé!

Thực hiện: Roon
Hình ảnh: Sưu tầm

CÁC BÀI VIẾT KHÁC
Ở Hoa Lạc không chỉ có hành trình “mở chữ" mà còn đong đầy những câu chuyện kể về văn hoá, lịch sử, về hơi thở thời đại của dân tộc Trung Hoa.
TƯ VẤN HỌC THỬ MIỄN PHÍ

Hoa Lạc chỉ sử dụng thông tin vào mục đích tư vấn khóa học, không sử dụng vì mục đích thương mại khác.