ĐI ĐI EM, CÒN DO DỰ, TRỜI TỐI MẤT…

Trong cuộc sống, người ta thường nhấn mạnh vào việc rèn luyện có chủ đích, cho rằng thành công chỉ đến khi ta có kế hoạch chi tiết, bài bản. Nhưng có bao giờ bạn đồ rằng, đôi khi chính sự do dự, chờ đợi một khởi đầu hoàn hảo lại chính là gông cùm ngăn bạn đến với mục tiêu?
Hành động tạo nên bước ngoặt
Áp lực từ nhiều hướng, lo sợ được mất, ngần ngại bản thân chưa đủ giỏi, đắn đo rủi ro tiềm tàng… Bạn có hàng vạn lý do để cân nhắc trước khi bắt tay thực hiện một việc gì đó. Hàng vạn lý do ấy bén rễ trong tâm trí, nảy nở, lan đến trái tim khiến nó “hoảng sợ” đôi chút rồi lại tỏa khắp các tế bào, khoá chặt lấy cơ thể, bạn thấy mình bất động chẳng thể cất nổi chân với trái tim đập loạn vì hoang mang và sợ hãi.
Trước khi sự do dự làm tê liệt hoàn toàn ý chí của bạn, hãy cất bước và hành động! Sơ khởi có thể không hoàn hảo như những gì bạn mường tượng, mong đợi nhưng nó là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa kinh nghiệm thực tiễn và dẫn lối bạn đến mục tiêu. Giống như việc học một ngoại ngữ mới, bạn không thể chờ đến khi thuộc hết từ vựng rồi mới dám nói. Hãy nói, nói với tất cả những gì bạn biết về thứ ngôn ngữ ấy, không màng đến phát âm còn sai hay câu từ lủng củng. Bởi mỗi lần bạn nói, bạn đang tiến gần hơn đến sự lưu loát.

Một sự thật rằng cơ thể chúng ta luôn tác động, phản ứng lại môi trường xung quanh và ghi nhớ nó. Việc học ngoại ngữ cũng vậy, chỉ có va chạm, sử dụng thì não bộ, cơ thể bạn mới không ngừng ghi nhận thông tin, gọt giũa và biến nó thành của riêng mình, để nó không chỉ là chữ nghĩa trên mặt giấy hay âm thanh từ loa phát.
Không thể thiếu những lần vấp ngã
Vấp ngã không phải là vấn đề phải xấu hổ, thất bại cũng không có nghĩa là mất mặt. Nếu hành động là điều kiện “cần” thì vấp ngã sẽ là điều kiện “đủ” để thành công của bạn trọn vẹn nhất. Một bài thi HSK điểm thấp không đồng nghĩa bạn thiếu năng lực mà nó là tín hiệu cho những thiếu sót cần bồi đắp ở bạn. Bạn cần điều chỉnh cách học như thế nào, nâng cấp kỹ năng ra sao để chạm đến mốc điểm cao hơn ở kỳ thi sau.
Không có khoảnh khắc “sẵn sàng” hoàn hảo nhất, giả có bạn cũng chẳng thể biết được khi nào thời điểm đó đến, có thể 1 tuần, 2 tháng, 5 năm hay 10 năm? Tất cả những gì bạn có thể làm là cần đôi lần thất bại để viết nên quyển giáo trình thực tế quý giá nhất cho riêng mình, để rồi học, thực hành và sửa sai.
Những vĩ nhân lưu danh sử sách, những cái tên vươn tầm thời đại trước khi trở nên “rất gì và này nọ”, được nhân loại xướng tên, họ cũng phải trải qua hàng nghìn giờ khổ luyện không ngừng, từng nếm trải thất bại, từng sợ hãi, từng hoang mang nhưng họ vẫn mải miết với đam mê và lý tưởng của chính mình.

Kể đến như Thomas Edison, khi còn bé ông từng bị đuổi học vì “đần độn”, nhưng với đam mê khám phá và sự hỗ trợ của mẹ đã trở thành thành thiên tài khoa học. Edison cũng đã thất bại hơn 10.000 lần trước khi phát minh ra bóng đèn. Ông được mệnh danh là “Thầy phù thủy ở Menlo Park” với hơn 1.500 bằng sáng chế và tạo ra nhiều thiết bị đột phá. Đèn điện của Edison đã mang ánh sáng cho nhân loại và vẫn tỏa sáng đến tận ngày nay.

Hay Albert Einstein không thể nói cho đến khi ông 4 tuổi và đọc chữ không thành thạo cho đến năm 7 tuổi. Cha mẹ và giáo viên của ông đều nghĩ rằng ông tiếp thu chậm chạp, thậm chí ông đã bị đuổi học và thất bại trong việc nhập học vào trường Zurich Polytechnic khi cha mẹ xin hội phụ huynh. Thế mà giờ đây, cả thế giới nhớ đến Albert Einstein như một nhà khoa học đại tài với trí thông minh xuất chúng và những đóng góp mang tính toàn cầu.

Nhắc đến sáng kiến, chúng ta không thể không thể bỏ qua Steve Jobs với cuộc cách mạng mang tên Apple. Từ một nhân viên gara xe, Steve Jobs đã tạo lập đế chế Apple trị giá 2 tỷ USD với hơn 4000 nhân viên. Một điều khó tin hơn nữa chính Steve Jobs cũng từ bị sa thải khỏi chính công ty của mình. Nhưng điều này không làm khó được ông, rời Apple, ông tiếp tục dẫn dắt các dự án khác như NeXT, Pixar và gây được tiếng vang lớn. Thành công của những dự án này đã khiến Apple phải mời ông trở lại vị trí CEO.

Câu chuyện khác về danh hoạ Vincent Van Gogh, trong suốt cuộc đời, Van Gogh phải đối mặt với bệnh tâm thần và thất bại trong các mối quan hệ. Ông chỉ bán được một tác phẩm trong suốt sự nghiệp, khiến ông hoàn toàn thất vọng về vai trò của mình trong giới nghệ thuật. Tuy nhiên, sự thất bại không hề làm giảm đam mê và niềm tin của Van Gogh, ông vẫn miệt mài, kiên trì với tình yêu nghệ thuật. Kết quả Van Gogh đã trở thành một trong những danh họa vĩ đại nhất lịch sử và tên tuổi của ông vẫn còn sức ảnh hưởng và ghi dấu ấn đến hiện tại.

Hoặc như Lý Tiểu Long, nỗ lực và sự kiên cường của ông đã tạo ra thứ mà mọi người lầm tưởng là tài năng. Những thất bại của ông đã dẫn đến những thành công mà mọi người lầm tưởng là may mắn.
Đừng để trời tối mới bước đi
Thời gian không chờ ai. Mỗi giây phút do dự là một cơ hội vụt mất. Bạn thấy đấy, những vĩ nhân đề cập ở trên họ thành công không phải vì họ hoàn hảo ngay từ đầu, mà vì họ dám bước đi khi chưa sẵn sàng. Nếu bạn muốn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, đừng chờ đợi một kế hoạch lý tưởng. Hãy bắt đầu từ điều nhỏ nhất – mở sách ra học, mở miệng ra nói, dám nhận sai và dám sửa sai. Các bạn đều biết rằng mọi thời khắc đều có thể triệu khả năng xảy ra, vậy thì hãy hành động, và một quỹ đạo của ánh sáng sẽ lóe lên và dẫn lối bạn. Nếu không chính bạn sẽ lạc lõng mãi trong mớ hỗn độn mang tên do dự kia.

Hành trình không chờ người đến muộn. Dụng tâm luyện tập là phương pháp tốt, nhưng hành động kịp thời mới là ngọn đèn soi sáng trên con đường ấy. Đừng sợ sai, đừng chờ đợi. Đi đi em, còn do dự trời tối mất!
Thực hiện
LEA