Hoa Lạc Kể
3 tháng 3 2025

7 phút đọc

Đôi đũa Á Đông và chuyện kể ngàn năm

Đũa là một vật dụng quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á khác, song ít ai biết rằng nó có một lịch sử lâu đời và nhiều câu chuyện thú vị.

Nguồn gốc và sự tích tên gọi

Văn hoá dùng đũa phổ biến tại các quốc gia Đông Á, Đông Nam Á và Việt Nam cũng là đất nước sử dụng đũa trong các bữa ăn thường ngày. Vậy đũa có từ đâu và quốc gia nào dùng đũa đầu tiên?

Trung Quốc chính là nơi ra đời của đôi đũa với lịch sử hơn 3.000 năm đi cùng nhiều truyền thuyết và bằng chứng khảo cổ khác nhau. Nhưng cho đến ngày nay người ta vẫn chưa thể xác minh chính xác thời gian ra đời của đôi đũa.

Đũa có nhiều tên gọi khác nhau qua các thời kỳ lịch sử. Thời Tiền Tần, nó được gọi là “hiệp” (挟) “giáp” (荚). Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, vào thời nhà Thương và nhà Chu, đũa được gọi là “trợ” (箸), thời cổ đại gọi là “mộc trợ” (木箸), tức đũa gỗ. Đến triều đại nhà Minh, nó được gọi là “khoái” (筷), và tên gọi này vẫn được giữ đến ngày nay là 筷子 (khoái tử).

Những truyền kỳ thú vị xoay quanh “Đũa”

“Đũa”, nhân chứng của những truyền thuyết cổ xưa. Cùng điểm qua 3 truyền thuyết với những truyền kỳ khác nhau về đũa!

Khương Tử Nha và đôi đũa tre thần kỳ: Câu chuyện về lòng trung thành, sự thông minh và món quà từ chim thần.

Khương Tử Nha chỉ mãi mê câu cá không làm lụng gì dẫn đến gia đình nghèo khó. Vợ ông bèn nảy ý định giết ông để lấy chồng khác. Một hôm vợ nấu thịt và gọi ông ăn nhưng hễ Khương Tự Nha định đưa tay bốc thịt thì có chú chim cứ bay vào mổ tay ông. Ông bèn nghi ngờ đuổi theo chú chim đến sườn núi. Chú chim đậu trên cây rồi cất tiếng bảo Khương Tử Nha hãy dùng 2 nhánh cây tre mà gắp thịt.

Nghe vậy, Khương Tử Nha liền về nhà và làm theo, vừa gắp thịt ra bát đã thấy thịt bốc khói. Ông nghi ngờ thịt có độc nên gắp cho vợ ăn, vợ ông liền sợ hãi bỏ chạy. Ông cho rằng đây là đũa được chim thần ban tặng để thử độc vì vậy ông đã dùng nó để gắp thức ăn mỗi ngày và dần dà được mọi người học theo.

Đại Vũ và đôi đũa tre chống lũ: Tinh thần quả cảm, sự tiết kiệm và sáng tạo trong gian khó.

Thời Nghiêu Thuấn xảy ra nạn lũ lụt, vua Thuấn sai Đại Vũ đi chống lũ. Ông vì tìm cách chống lũ mà quên ăn quên ngủ. Trong một lần đói bụng, Đại Vũ nấu thịt ăn nhưng muốn tiết kiệm thời gian đợi đồ ăn nguội nguội, ông bèn lấy hai cành cây chập lại rồi gắp thịt trong nồi nước ra ăn để không bỏng tay. Mọi người thấy vậy bắt chước theo và tạo nên tục lệ dùng đũa.

Đát Kỷ và đôi đũa ngọc xa hoa: Vẻ đẹp, sự thông minh và câu chuyện về một giai nhân tuyệt sắc.

Đát Kỷ trong một lần thử các món ăn cùng Trụ Vương thì thấy món nào cũng quá nóng, không thể dùng tay trần cầm được. Đát Kỷ trong lúc vội đã nhanh trí rút trâm ngọc đang cài trên tóc, kẹp lấy đồ ăn rồi thổi và đút cho Trụ Vương. Trụ Vương thấy hành động mới lạ này của Đát Kỷ vui mắt nên ngày nào cũng kêu Đát Kỷ gắp thức ăn bằng trâm và đút cho ông.

Đát Kỷ liền nhờ người thợ thủ công làm cho hai cây trâm ngọc thật dài để gắp đồ ăn và đôi đũa ngọc từ đó ra đời.

Dù nguồn gốc thực sự của đôi đũa vẫn còn là một điều bí ẩn, nhưng không thể phủ nhận rằng nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của nhiều quốc gia châu Á.

Đũa không chỉ là một vật dụng đơn thuần mà còn là một biểu tượng văn hóa và tâm linh sâu sắc trong đời sống của người Á Đông. Theo đó, đũa luôn đi theo đôi, tượng trưng cho sự cân bằng âm dương, một triết lý quan trọng trong văn hóa Á Đông.

Ngoài ra, trong các nghi lễ thờ cúng, đũa thường được sử dụng để gắp thức ăn dâng lên tổ tiên, thể hiện lòng thành kính và sự kết nối giữa người sống và người đã khuất. Việc cắm đũa vào bát cơm trong các nghi lễ cúng tế được xem là hành động mời gọi linh hồn người đã khuất về thụ hưởng, do đó, hành động này thường bị kiêng kỵ trong bữa ăn hàng ngày.

Hãy để đôi đũa không chỉ là công cụ ăn uống mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người với con người, và giữa con người với thế giới tâm linh.

Nhóm thực hiện
Hoa Lạc

CÁC BÀI VIẾT KHÁC
Ở Hoa Lạc không chỉ có hành trình “mở chữ" mà còn đong đầy những câu chuyện kể về văn hoá, lịch sử, về hơi thở thời đại của dân tộc Trung Hoa.
TƯ VẤN HỌC THỬ MIỄN PHÍ

Hoa Lạc chỉ sử dụng thông tin vào mục đích tư vấn khóa học, không sử dụng vì mục đích thương mại khác.