Giáo dục Trung Quốc cổ đại – Nền tảng của một quốc gia hưng thịnh

Trung Quốc là một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới, và từ rất sớm, giáo dục đã được coi là nền tảng vững chắc để xây dựng con người và xã hội. Khác với hình ảnh lớp học hiện đại ngày nay, giáo dục thời cổ đại mang nhiều nét đặc trưng độc đáo – từ cách tổ chức lớp học, nội dung giảng dạy, đến hệ thống thi cử và triết lý đạo đức.
Cùng Hoa Lạc ngược dòng thời gian, khám phá bức tranh giáo dục xưa, nơi những bài học tuy mộc mạc nhưng sâu sắc vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Trường học ngày xưa – Đơn sơ nhưng đầy tâm huyết
Vào thời cổ đại, lớp học thường được tổ chức tại nhà riêng của phu tử (夫子 /fūzǐ/), tức là thầy giáo. Không có bảng trắng, không bàn ghế gọn gàng như bây giờ, học trò ngồi trên chiếu, viết trên bàn gỗ thấp, sử dụng bút lông (毛笔 /máobǐ/), mực tàu (墨 /mò/), và giấy xuyến chỉ (宣纸 /xuānzhǐ/) – loại giấy truyền thống chuyên dùng cho thư pháp.
Việc học thời ấy không chỉ đơn thuần là tiếp thu kiến thức mà còn là quá trình rèn luyện nhân cách. Học trò được dạy lễ nghi hành xử, hiếu thảo với ba mẹ và sống đúng với đạo làm người. Chính vì vậy, phu tử không chỉ là người dạy chữ mà còn là người dẫn dắt đạo đức, được học trò và xã hội vô cùng kính trọng.
Trẻ em thường bắt đầu đi học từ khoảng 6–7 tuổi, tương tự độ tuổi vào lớp 1 hiện nay. Dù trọng nam khinh nữ vẫn còn phổ biến, nhưng trong các gia đình khá giả, bé gái vẫn được học hành để trở thành người phụ nữ hiểu biết, cư xử đúng mực trong gia đình và xã hội.
Học gì trong trường lớp thời cổ đại?
Nội dung học tập thời xưa xoay quanh các sách kinh điển của Nho giáo (儒家 /rújiā/). Trẻ nhỏ bắt đầu đọc và học những tập sách như:
- Tam Tự Kinh (三字经 /sānzìjīng/): Mỗi câu chỉ có 3 chữ, giúp trẻ ghi nhớ nhanh chóng.
- Bách Gia Tính (百家姓 /bǎijiāxìng/): Danh sách các họ phổ biến của Trung Quốc, giúp học sinh làm quen với chữ Hán và văn hóa dòng tộc.
- Thiên Tự Văn (千字文 /qiānzìwén/): Một bài văn gồm 1.000 chữ không trùng lặp, giúp mở rộng vốn từ và rèn luyện trí nhớ.
Ví dụ, câu mở đầu của Tam Tự Kinh là:
“人之初,性本善” /Rén zhī chū, xìng běn shàn/: Con người lúc mới sinh ra, bản tính vốn thiện lương
Đây không chỉ là một bài học đạo đức, mà còn là cách gieo mầm nhân cách từ thuở đầu đời.
Khi lớn hơn, học sinh sẽ được học Tứ Thư (四书 /sìshū/) và Ngũ Kinh (五经 /wǔjīng/) – vốn là những tác phẩm trọng yếu của Nho giáo do Khổng Tử và các học trò biên soạn, chứa đựng tư tưởng sâu sắc về đạo đức, xã hội và quy tắc ứng xử.
Thi cử và cánh cửa dẫn đến vinh quang
Một nét đặc sắc trong giáo dục Trung Hoa cổ đại là hệ thống khoa cử (科举 /kējǔ/), được tổ chức nghiêm ngặt và có tính cạnh tranh rất cao. Đây được xem là con đường duy nhất giúp người dân thường vươn lên địa vị quan chức trong triều đình.
Hệ thống thi cử gồm 3 cấp:
- Thi Hương (乡试 /xiāngshì/): Tổ chức ở cấp địa phương.
- Thi Hội (会试 /huìshì/): Tổ chức tại kinh thành, dành cho những ai đã đỗ thi Hương.
- Thi Đình (殿试 /diànshì/): Kỳ thi cao nhất, do chính Hoàng đế ra đề và chấm điểm.
Người đỗ cao nhất được gọi là trạng nguyên (状元 /zhuàngyuán/) và trở thành quan lớn trong triều. Dù quá trình thi vô cùng gian nan, nhưng nếu thành công, không chỉ cá nhân đổi đời mà còn mang lại vinh quang cho cả gia đình, dòng tộc. Chính vì vậy, việc học trở thành khát vọng và động lực thiêng liêng của biết bao thế hệ học trò xưa.
Những bài học vượt thời gian
Ngày nay các em học sinh Trung Quốc được học trong những lớp học khang trang, tiên tiến, có sách giáo khoa, máy tính và công nghệ hỗ trợ nhưng những giá trị cốt lõi từ nền giáo dục xưa vẫn còn nguyên vẹn.
Trước tiên là tinh thần hiếu học và thái độ nghiêm túc trong học tập. Học trò ngày xưa học không vì điểm số mà để hiểu đạo lý, rèn luyện bản thân. Tư tưởng “học để làm người trước khi làm nghề” vẫn là kim chỉ nam mà nhiều bậc cha mẹ hiện đại mong muốn con mình ghi nhớ.
Thứ hai, vai trò của người thầy được đề cao như một người cha thứ hai. Mối quan hệ sư đồ (师徒 /shītú/) khăng khít là biểu tượng đẹp của nền giáo dục Á Đông – điều mà các trung tâm giáo dục hiện đại luôn hướng đến: xây dựng một môi trường thầy trò gắn bó, cùng nhau trưởng thành.
Cuối cùng, giáo dục xưa dạy trẻ kiên trì, kỷ luật và không ngừng nỗ lực, những giá trị luôn đúng dù có thay thời đổi đại.
Giáo dục Trung Quốc cổ đại là minh chứng sống động cho triết lý: “Việc học không chỉ để thành tài, mà còn để thành người“. Những bài học đạo đức, tinh thần hiếu học, thái độ sống tử tế và trách nhiệm với cộng đồng, tất cả vẫn là hành trang quý giá cho thế hệ trẻ trên chặng đường trưởng thành.
Thực hiện
Thảo Phương