Hồ Lô Vấn: “Bàn cờ” cổ đại kể chuyện xã hội xưa

Trên bàn cờ xoắn ốc, những quân cờ di chuyển theo nhịp tung xúc xắc, đưa người chơi qua những hình ảnh kỳ ảo. Từ quả bầu khởi đầu, biểu tượng của sự huyền bí, đến trung tâm bàn cờ, nơi cánh cửa dẫn vào cõi tiên mở ra, mỗi bước đi là một cuộc phiêu lưu.
Luật chơi đơn giản mà lôi cuốn: Xúc xăng tung, người chơi tiến lên, lùi lại hoặc đứng yên, và người đầu tiên chạm đến “quả bầu” ở trung tâm bàn cờ là người giành chiến thắng.


Hồ Lô Vấn – Boardgame cổ đại của người Trung Quốc
Trong những đêm giao thừa, khi gia đình sum vầy bên ánh lửa hồng, người Trung Hoa cổ đại tìm thấy niềm vui trong trò chơi Hồ Lô Vấn (葫芦问 /Húlu wèn/), một thú tiêu khiển độc đáo kéo dài suốt hai thiên niên kỷ.
Hồ Lô Vấn thường chơi trên một bàn cờ được sắp xếp theo hình xoắn ốc vuông hoặc tròn, trên đó có nhiều hình vẽ khác nhau.

“Hồ lô” (葫芦) là quả bầu, “vấn” (问) là hỏi, tên gọi này bắt nguồn từ luật chơi: Bắt đầu từ điểm ngoài cùng – thường được biểu thị với hình hồ lô, người chơi lần lượt di chuyển quân cờ của mình về phía trước theo kết quả tung xúc xắc hoặc quay con vụ.
Bất kể họ dừng lại ở hình ảnh nào, họ phải “nhảy” đến hình ảnh giống hệt gần nhất, đưa họ lên hoặc xuống vòng xoắn ốc. Người chơi đầu tiên đến được điểm trung tâm (thường được vẽ cùng hình ảnh quả hồ lô với điểm bắt đầu) sẽ là người chiến thắng.
Vì sao lại là “Hồ Lô”?
Trong Đạo giáo, tôn giáo bản địa của Trung Quốc, quả bầu được xem là một “công cụ” có khả năng hấp thụ tất cả vật chất. Giống như một lỗ đen, hồ lô đại diện cho cánh cổng dẫn đến một chiều không gian huyền bí theo quan niệm của người Trung Hoa xưa.
Tương truyền, Lão Tử, người sáng lập Đạo giáo, thường mang theo một bầu hồ lô bên mình, trong đó chứa đựng mọi bí mật của vũ trụ. Ngoài ra, hồ lô còn là vật dụng của các vị tiên, chứa đựng linh đan diệu dược giúp chữa bệnh, cứu người. Nhiều vị tiên trong Đạo giáo, như Lý Thiết Quải trong Bát Tiên, một nhóm các vị tiên bất tử nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa, cũng thường được miêu tả với bình hồ lô đeo trên vai.


Do đó, người ta tin rằng việc đến được quả bầu ở trung tâm của bàn cờ Hồ Lô Vấn tượng trưng cho việc người chiến thắng bước vào cõi bất tử hoặc đạt đến lãnh giới của tiên nhân.
Muôn màu văn hoá trên một bàn cờ
Không chỉ là một trò chơi đơn thuần, Hồ Lô Vấn còn là một tấm gương phản chiếu văn hóa, nơi những câu chuyện thần thoại huyền bí hòa quyện với những tham vọng trần thế của người Trung Hoa xưa được thể hiện rõ nét.
Mặc dù được gọi rộng rãi là Hồ Lô Vấn (葫芦问), trò chơi có những tên gọi khác nhau tùy theo vùng miền. Nó được gọi là Cản Bát Xà (赶八蛇 /Gǎn bā shé/) ở thành phố Thiên Tân; Tiêu Dao Đồ (逍遥图 /Xiāoyáo tú/) ở khu vực giữa sông Dương Tử và Hoài Hà; Tinh Quân Đồ (星君图 /Xīng jūn tú/) ở tỉnh Phúc Kiến; hay Thăng Tiên Đồ (升仙图 /Shēng xiān tú/) ở Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông.
Tên gọi cũng thay đổi dựa trên chủ đề thiết kế của bàn cờ. Ví dụ, nó được gọi là Thăng Quan Đồ (升官图 /Shēngguān tú/) khi có hình ảnh các quan chức hoặc Náo Long Cung (闹龙宫 /Nào lónggōng/) khi có hình ảnh quái vật biển.


Dưới thời Minh – Thanh, Hồ Lô Vấn trở thành “sân khấu” cho những câu chuyện anh hùng ca. Bát Tiên Quá Hải (八仙过海 /Bā xiān guò hǎi/) hay Trạng Nguyên Tế Tháp (状元祭塔 /Zhuàngyuán jì tǎ/) không chỉ là những ván cờ, mà còn là những thước phim sống động về những huyền thoại quen thuộc.


Bên cạnh những chủ đề thần thoại, Hồ Lô Vấn còn là một bức tranh thu nhỏ về xã hội phong kiến Trung Hoa, phác họa đầy đủ các giai tầng. Chủ đề của bàn cờ Hồ Lô Vấn dần bớt các yếu tố kỳ ảo, thay vào đó trở nên thời sự, thực tế hơn vào thời nhà Đường (618–907) và đạt đến đỉnh cao vào thời nhà Minh – Thanh.
Chẳng hạn như bàn cờ Thăng Quan Đồ (升官图) mô phỏng con đường khoa cử, nơi người chơi trải nghiệm những thăng trầm của quan trường. Với phiên bản trò chơi này, mỗi bước đi của người chơi được quyết định bằng cách quay một con vụ bốn mặt được khắc chữ.
Nếu nó dừng lại ở các chữ “đức”, “tài” hoặc “thành”, họ sẽ tiến lên theo vòng xoắn ốc; nếu nó dừng lại ở chữ “tham”, họ phải lùi lại. Điều này phản ánh những kỳ vọng thời đó đối với việc lựa chọn và hành vi của các quan chức trong triều.


Người Trung Hoa xưa có thói quen tiêu khiển bằng Hồ Lô Vấn những dịp Tết đến. Trong đêm giao thừa, khi mọi điều ước được gửi gắm vào ván cờ, Hồ Lô Vấn trở thành một lời cầu chúc cho năm mới an lành.
Mỗi lần tung xúc xắc, mỗi bước đi, đều chứa đựng những biến số của cuộc đời. Trong sự vô thường của vận mệnh, con người luôn khao khát những điều tốt đẹp. Hồ Lô Vấn, vì thế, không chỉ là một trò chơi, mà còn là một phần ký ức văn hóa, một lời nhắc nhở về những giá trị vĩnh cửu của đạo làm Tiên, làm Người trong một thế giới không ngừng biến hoá.
Cuộc sống cũng như một trò chơi, mỗi lần tung xúc xắc, mỗi bước ngoặt của số phận, đều có khả năng đẩy một người tiến lên hoặc lùi lại.
Nhóm thực hiện: Hoa Lạc
Theo Sixth Tone