Hoa Lạc Kể
21 tháng 4 2025

9 phút đọc

Khám phá bí mật 4 công trình nổi tiếng Trung Quốc

Khi nhắc đến Trung Quốc, hẳn chúng ta đã từng nghe qua những cái tên vang danh như Vạn Lý Trường Thành hay Tử Cấm Thành. Nhưng ngoài những trang sách lịch sử khô khan, có bao giờ bạn tự hỏi: “Liệu những công trình đồ sộ này còn ẩn giấu bí mật gì thú vị không nhỉ?”

Câu trả lời là: CÓ và thậm chí còn rất nhiều nữa kìa!

Cùng Hoa Lạc khám phá ngay những điều “lạ mà thật” về 4 công trình kỳ quan nổi tiếng của Trung Quốc, những câu chuyện chắc chắn sẽ khiến bạn phải trầm trồ.

Vạn Lý Trường Thành – Không chỉ là một bức tường

Nghe cái tên “Vạn Lý Trường Thành” (万里长城 /Wànlǐ Chángchéng/) ai cũng hình dung một bức tường kéo dài tít tắp không có điểm dừng. Nhưng thật ra, đây không phải là một trường thành xuyên suốt mà là một mạng lưới phức hợp gồm nhiều đoạn tường, pháo đài và tháp canh được xây dựng rải rác qua nhiều triều đại từ thời Chiến Quốc đến nhà Minh.

Mỗi triều đại qua đi đều để lại dấu ấn riêng biệt như những mảnh ghép thời gian gắn kết, kiến tạo nên một di sản khổng lồ. Có những đoạn tường đã theo sương gió thời gian mài mòn mà đỗ vỡ, hoang tàn nhưng nhiều phần vẫn còn sừng sững vững vàng tựa những người gác cổng cho lịch sử ngàn năm.

Điều bất ngờ hơn nữa, từ thời xưa, những người xây thành đã biết dùng gạo nếp trộn với vôi tạo ra một loại “vữa thần kỳ” thay cho xi măng. Chính nhờ công thức đặc biệt ấy, mà những đoạn tường vẫn kết dính và đứng vững sau hàng trăm năm.

Tử Cấm Thành – Có đến 9.999 phòng, nhưng lại không có nhà vệ sinh

Nằm giữa lòng Bắc Kinh, Tử Cấm Thành (紫禁城 /Zǐjìnchéng/) là cung điện hoàng gia lớn nhất thế giới. Theo truyền thuyết, nơi đây có đến 9.999 phòng, một con số biểu trưng cho “sự hoàn hảo và quyền lực vô biên” trong văn hóa Trung Hoa. Nhưng điều khiến nhiều người ngạc nhiên là: trong cung điện rộng lớn ấy, lại không có… nhà vệ sinh!

Thời xưa, hoàng đế và các phi tần đều sử dụng một loại bô sứ gọi là “ngọc bồn”. Sau khi dùng xong, sẽ có đội ngũ người hầu chuyên trách mang đi dọn dẹp, giữ mọi thứ tinh tươm trong từng cung phòng.

Chưa hết, các lối đi chính trong Tử Cấm Thành được lát bằng thứ gọi là “gạch vàng”, một loại gạch được nung 7 lần, ngâm nước, phơi sương suốt hàng tháng trời. Mỗi viên gạch tốn gần 2 năm để hoàn thiện, dù không thực sự có màu vàng kim, nhưng quả là quý như vàng thật!

Di Hòa Viên – “Công viên” của vua rộng gấp 5 lần Disney Tokyo

Di Hòa Viên (颐和园 /Yíhéyuán/) được mệnh danh là “Thiên đường dưới nhân gian” nơi ngoại ô Bắc Kinh. Đây là khu vườn hoàng gia nổi tiếng nhất Trung Quốc, từng là nơi nghỉ dưỡng mùa hè của hoàng tộc nhà Thanh. Với quy mô lên đến 290 hecta, gấp gần 5 lần Disneyland Tokyo, Di Hòa Viên được xem là kiệt tác kiến trúc và phong cảnh, hài hòa giữa thiên nhiên và nghệ thuật.

Điểm độc đáo là Di Hòa Viên được thiết kế như một “phiên bản thu nhỏ” của giang sơn Trung Hoa:

Nổi bật nhất là trường lang dài hơn 700m ven hồ, được ví như một bảo tàng tranh ngoài trời với hơn 14.000 bức họa vẽ tay sống động. Mỗi bước chân là một câu chuyện từ cảnh sắc bốn mùa, truyện dân gian, truyền thuyết lịch sử đến đời sống sinh hoạt cung đình.

Di Hòa Viên không chỉ là chốn thư giãn, mà còn là minh chứng cho sự tinh tế trong tư duy thẩm mỹ và triết lý sống của người xưa – nơi cảnh vật, nghệ thuật và văn hóa giao hòa trong từng đường nét.

Đại Vận Hà – Dòng sông nhân tạo dài nhất thế giới

Khác với sông ngòi do thiên nhiên tạo nên, Đại Vận Hà (大运河 /Dà Yùnhé/) là tuyến kênh đào do con người xây dựng, dài đến hơn 3.200km, nối liền Bắc-Nam Trung Quốc, từ Bắc Kinh đến Hàng Châu. Đây là kênh đào cổ đại dài nhất thế giới và điều tuyệt vời là đến nay, nó vẫn được sử dụng cho vận tải và tưới tiêu.

Nhiều người bất ngờ khi biết rằng vào thời nhà Tùy (thế kỷ 7), hơn 5 triệu dân đã cùng góp sức đào kênh, hoàn thiện phần lớn công trình chỉ trong vài năm. Họ còn nghĩ ra kỹ thuật kiểm soát nước vượt xa thời đại bằng cách điều phối mực nước theo độ cao từng đoạn, dùng hệ thống cống đóng-mở giúp thuyền bè qua lại dễ dàng.

Không chỉ là kỳ tích kỹ thuật, Đại Vận Hà còn là “huyết mạch” giao thương Bắc-Nam, gắn kết văn hóa giữa các vùng đất rộng lớn. Những thành phố lớn như Tô Châu, Dương Châu,… cũng từng phát triển thịnh vượng nhờ dòng kênh lịch sử này.

Trung Quốc là đất nước của những điều kỳ diệu, không chỉ bởi lãnh thổ rộng lớn hay lịch sử lâu đời, mà còn vì những công trình đầy trí tuệ và sự sáng tạo vượt thời gian. Mỗi câu chuyện về một viên gạch, một khu vườn hay một dòng kênh cổ đều có thể trở thành chiếc cầu nối nhẹ nhàng đưa chúng ta đến gần hơn với tiếng Trung và văn hóa phương Đông.

Thực hiện
Thảo Phương

CÁC BÀI VIẾT KHÁC
Ở Hoa Lạc không chỉ có hành trình “mở chữ" mà còn đong đầy những câu chuyện kể về văn hoá, lịch sử, về hơi thở thời đại của dân tộc Trung Hoa.
TƯ VẤN HỌC THỬ MIỄN PHÍ

Hoa Lạc chỉ sử dụng thông tin vào mục đích tư vấn khóa học, không sử dụng vì mục đích thương mại khác.