Sự thật thú vị về màu sắc trong văn hoá Trung Hoa

Màu sắc không chỉ đơn thuần là một yếu tố trang trí mà còn mang trong mình những tầng ý nghĩa sâu sắc, phản ánh triết lý âm dương, ngũ hành cũng như các phong tục, tín ngưỡng trong văn hóa Trung Hoa. Trong bài viết này, hãy cùng Hoa Lạc khám phá những gam màu đặc trưng và câu chuyện ẩn chứa đằng sau chúng nhé!
Màu đỏ – Biểu tượng của may mắn và kiêng kỵ
Màu đỏ (红 /hóng/) là màu sắc quan trọng nhất trong văn hóa Trung Hoa, tượng trưng cho may mắn, thịnh vượng và hạnh phúc. Người Trung Quốc tin rằng màu đỏ mang lại năng lượng tích cực, xua đuổi tà ma và đem đến những điều tốt lành. Chính vì thế, trong những dịp trọng đại như Tết Nguyên Đán, đám cưới hay các sự kiện quốc gia trọng đại, bạn sẽ nhìn thấy màu đỏ luôn hiện diện khắp nơi.
Ví dụ như phong bao lì xì (红包 /hóngbāo/) thường mang sắc đỏ, đây được coi là món quà may mắn được trao tặng trong dịp năm mới hay các sự kiện đặc biệt, với mong muốn gửi gắm lời chúc phúc và tài lộc đến người nhận.
Tuy nhiên, dù mang nhiều ý nghĩa tích cực, màu đỏ cũng có những mặt kiêng kỵ. Trong phong tục Trung Hoa, màu đỏ sẽ tránh dùng trong giấy báo tử hoặc ghi tên người đã khuất vì viết tên người mất bằng mực đỏ bị xem là thiếu tôn trọng. Hay thời phong kiến, các bài thi bị đánh trượt cũng thường được chấm bằng mực đỏ, khiến nhiều người Trung Quốc ngày nay không thích giáo viên sử dụng bút đỏ để ghi điểm hay nhận xét bài làm của mình.
Màu xanh lá – Sắc màu của sự sống
Màu xanh lá (绿 /lǜ/) đại diện cho sự sinh trưởng, hòa hợp với thiên nhiên và tinh thần bền vững. Từ xa xưa, người Trung Hoa đã sử dụng màu xanh lá trong trang phục, hội họa để thể hiện sự gần gũi với đất trời. Ngày nay, gam màu này còn gắn liền với những giá trị như sự minh bạch, kinh doanh chính trực và bảo vệ môi trường. Vì thế, nhiều thương hiệu thực phẩm hữu cơ hay sản phẩm thân thiện với thiên nhiên ở Trung Quốc thường lấy màu xanh lá làm chủ đạo để nhấn mạnh tính an toàn và lành mạnh.
Tuy nhiên, trong văn hóa Trung Hoa, màu xanh lá cũng mang một ý nghĩa tiêu cực nhất định. Thành ngữ “戴绿帽子” (/dài lǜ màozi/ – đội nón xanh) là một cách nói ẩn dụ về sự phản bội trong hôn nhân. Truyền thuyết kể rằng, vào thời xưa, những người đàn ông có vợ ngoại tình bị buộc phải đội mũ xanh như một dấu hiệu của sự ô nhục. Vì vậy, đàn ông Trung Quốc ngày nay rất kiêng kỵ việc đội mũ màu xanh.
Màu đen – Biểu tượng của quyền lực, chính trực và bí ẩn
Màu đen (黑 /hēi/) mang đến cảm giác uy nghiêm, quyền lực nhưng cũng không kém phần huyền bí. Trong lịch sử Trung Hoa, những bậc quân vương, vĩ nhân thường khoác trên mình trang phục đen nhằm thể hiện sự mạnh mẽ và uy nghi.
Bên cạnh đó, trong nghệ thuật Kinh kịch, những nhân vật có khuôn mặt vẽ màu đen thường là người chính trực, thẳng thắn, điển hình như Bao Công (Bao Thanh Thiên). Trên màn ảnh, màu đen còn là biểu tượng của sự cao quý và tinh tế, thường thấy trong các bộ phim võ thuật, nơi những cao thủ thường ẩn mình sau tấm áo đen thần bí, quỷ dị.
Tuy nhiên, màu đen cũng có những mặt tối trong văn hóa Trung Hoa. Cụm từ “黑社会” (/hēi shèhuì/ – xã hội đen) dùng để chỉ các băng nhóm tội phạm hoạt động ngầm, khiến gam màu này đôi khi mang hàm ý tiêu cực, gắn liền với những điều cấm kỵ.

Trong văn hóa Trung Hoa, màu sắc không chỉ đơn thuần là yếu tố thẩm mỹ mà còn chứa đựng những lớp ý nghĩa sâu xa, phản ánh triết lý, phong thủy cũng như quan niệm sống của người dân. Hy vọng qua bài viết này, chúng ta sẽ có thêm góc nhìn thú vị về thế giới màu sắc xung quanh, từ đó ứng dụng linh hoạt vào đời sống hàng ngày!
Thực hiện
Thảo Phương