Trẻ em Trung Quốc cổ đại chơi những trò chơi gì?
Trẻ em được ví von như tờ giấy trắng bởi sự hồn nhiên và tiềm năng ghi nhớ, học tập vượt trội. Cho trẻ một không gian giáo dục phù hợp ở độ tuổi mầm non sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn khi bước vào độ tuổi đi học.
Tuy nhiên, giáo dục thời cổ đại còn sơ khai và khan hiếm tài nguyên. Các trẻ em thời ấy khó lòng tiếp xúc với các phương pháp giáo dục mầm non hiện đại như hiện nay. Vậy trẻ em thời ấy phát triển năng lực nhận thức như thế nào? Đáp án chính là các trò chơi dân gian.
Hôm nay, Hoa Lạc sẽ cùng bạn khám phá các thể loại trò chơi dân gian của trẻ nhỏ Trung Quốc vốn được xem là một hình thức giải trí kiêm giáo dục của thời xưa nhé!
1. Các trò chơi vận động: Trượt cầu tuột (滑滑梯), Con quay (滑滑梯), Con lăn Diabolo hoặc yoyo (抖空竹)
Cầu tuột (滑滑梯) không chỉ là trò chơi quen thuộc của trẻ em hiện đại, mà từ xưa đã là trò yêu thích của các em nhỏ. Trong bức “Anh Hí Đồ” thời nhà Nguyên, Trung Quốc cũng đã vẽ lại hình ảnh chiếc cầu tuột lớn bằng gỗ mang dáng dấp hoàn toàn tương đồng với cầu tuột ngày nay.
Bên cạnh cầu tuột, con quay (滑滑梯) cũng giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần trẻ nhỏ. Con quay thường có hai cách chơi: (1) Thiên thiên xa – một loại con quay chơi trên bàn, được đặt trong mâm tròn để quay; (2) Đả kiều tích – một loại con quay dùng roi để xoay trên nền đất.
Ta còn có con lăn Diabolo hoặc yoyo (抖空竹) thuộc hàng top những trò chơi vận động thời cổ đại. Hai trò chơi này đòi hỏi sự khéo léo, kết hợp linh hoạt tay chân, giúp huấn luyện thể chất cho trẻ nhỏ.
2. Trò chơi thi đấu: Đấu cỏ (斗草), Đá dế (斗蛐蛐), Đánh bóng (捶丸), Ném tên (投壶)
Đấu cỏ (斗草) thời xưa được chia theo hai hình thức: “võ đấu” và “ văn đấu”.
“Võ đấu”: Trẻ con tìm cỏ và đem đan chéo với nhau rồi thi kéo, cỏ của ai đứt trước sẽ thua.
“Văn đấu”: Trẻ con thi xem ai sẽ là người tìm được nhiều loại cỏ nhất.
Kể đến trò chơi đá dế (斗蛐蛐), nó được xuất hiện sớm nhất trong “Kinh Thi” và trở nên phổ biến vào thời Tống. Trẻ con đương thời thích ra đồng bắt dế và mang dế đi đá với các bạn đồng trang lứa.
Đến với trò đánh bóng (捶丸), đây được gọi vui là môn golf phiên bản cổ đại và cực thịnh vào thời nhà Tống. Cách chơi vô cùng đơn giản, chỉ việc đào một cái lỗ dưới đất, dùng cây gậy dài hoặc một miếng gỗ để đánh bóng vào lỗ.
3. Trò chơi nhập vai: Chơi nhà chòi (过家家), Múa rối (悬丝傀儡)
Trong tác phẩm “Bách tử đoàn viên đồ, nghênh trạng nguyên quy” đã từng miêu tả các em nhỏ cưỡi ngựa trúc đóng giả trạng nguyên dạo phố, trước có phó dịch gõ chiêng mở đường, sau có thị giả giơ cao nghi trượng. Qua đó tạo nên khung cảnh vô cùng sống động.
Múa rối (悬丝傀儡) là loại hình biểu diễn yêu thích của trẻ em thời xưa. Nhà Tống thường dựng các sân khấu nhỏ chuyên dụng và cung cấp các con rối để các bé thỏa thích biểu diễn. Ngoài ra, trẻ em bấy giờ cũng yêu thích các mô hình con rối gỗ.
Nhắc đến con rối, không thể không nhắc đến Ma Hát Lạc (磨喝乐) vốn là tạo hình búp bê được các em nhỏ cực kỳ thích bắt chước. Theo ghi chép xưa viết lại rằng: “Những đứa trẻ ngoài chợ, tay cầm lá sen tươi, học theo tạo hình của Ma Hát Lạc”
4. Trò chơi trí tuệ: Hoa dung đạo (华容道), Thất xảo bản (七巧板), Cửu liên hoàn (九连环)
Hoa dung đạo (华容道) là trò chơi xếp hình được thiết kế dựa trên điển cố của cuộc chiến Xích Bích thời Tam Quốc. Trong đó ẩn chứa nhiều điều kì diệu về toán học và giúp rèn luyện tư duy vô cùng hiệu quả.
Thất xảo bản (七巧板) tương tự Hoa dung đạo cũng là trò chơi câu đố ảnh thời xưa, có thể ghép thành những nhân vật, động vật, cây cầu, nhà, tháp,… Trò chơi này là một cách tốt để phát triển kỹ năng quan sát, tưởng tượng ở trẻ nhỏ.
So với hai trò chơi trên, cửu liên hoàn 九连环 được nhắc đến khá nhiều trong các tác phẩm cổ điển. Như trong “Hồng Lâu Mộng”, Lâm Đại Ngọc từng ghi chép cách giải trò chơi cửu liên hoàn. Hay Chu Bang Nhan cũng để lại câu nói nổi tiếng về cửu liên hoàn: “Bàn tay thần kỳ có thể giải liên hoàn”.
5. Trò chơi ngôn ngữ: Đoán câu đố đèn lồng (猜灯谜), Chiết bạch đạo tự (拆白道字), Thi chung (诗钟), Phách thất (拍七), Đỉnh châm tục ma(顶针续麻),…
Trò chơi đoán câu đố đèn lồng (猜灯谜) vẫn còn phổ biến tại Trung Quốc cho đến ngày nay. Câu đố được viết trực tiếp lên đèn lồng và người chơi có thể đoán câu trả lời từ một ký tự, một bài thơ, hay một cụm từ bất kỳ.
Bên cạnh đoán câu đố đèn lồng, một số trò chơi liên quan đến con chữ khác như trò tách chữ – chiết bạch đạo tự (拆白道字), đối thơ có vần – thi chung (诗钟) hay nối chữ – đỉnh châm tục ma (顶针续麻)…
6. Trò chơi cân bằng: Cối xay gió bằng hạt táo (推枣磨), Đi cà kheo (踩高跷), Cổn thiết hoàn (滚铁环)
Trong số các trò chơi cân bằng, không gì đặc sắc hơn trò chơi cối xay gió bằng hạt táo (推枣磨). Cách chơi cụ thể là đặt que tre có cắm hai trái táo tàu ở hai đầu lên một hạt táo dựng thẳng đứng và làm cho nó chuyển động như đĩa mài. Điểm khó nhất ở trò chơi này là phải duy trì tính cân bằng của “cối xay gió” vừa được tạo ra. Bạn có thể thấy trò chơi này được tái hiện lại trong bộ phim Trung Quốc “Minh Lan truyện”.
Trải qua nhiều thiên niên kỷ, trò chơi vẫn là một phần quan trọng trong cuộc sống của trẻ em ngày nay. Thực tế, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy bóng dáng quá khứ trong các trò chơi trẻ em hiện đại. Tuy nhiên, dưới sức ép của công nghệ tiên tiến, một số trò cũng đã trở thành ký ức và không còn được lưu truyền cũng như phổ biến trong xã hội đương thời.