Hoa Lạc Kể
19 tháng 2 2025

11 phút đọc

Viên Long Bình và 90 năm miệt mài gieo giấc mộng ấm no

Vien Long Binh

Viên Long Bình (袁隆平 /Yuánlóngpíng/) là một nhà khoa học vĩ đại của Trung Quốc. Sinh ra tại Bắc Kinh vào năm 1930, ông dành trọn cuộc đời mình để nghiên cứu và phát triển các giống lúa lai với năng suất cao hơn lúa gạo thông thường, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều quốc gia châu Á và châu Phi.

Những hạt gạo thơm ngon từ giống lúa lai của ông đã nuôi sống hàng triệu người, mang lại cuộc sống ấm no cho cả thế giới. “Cha đẻ của lúa lai” ( 杂交水稻之父 /Zájiāo shuǐdào zhī fù/) là tên gọi mà người ta dùng để vinh danh Viên Long Bình và những cống hiến cả đời của ông dành cho lúa gạo.

Niềm hy vọng khoa học giữa bóng tối nạn đói

Sinh ra và lớn lên trong những năm tháng đất nước Trung Quốc trải qua biến động lớn của thời cuộc, Viên Long Bình đã chứng kiến cảnh tượng hàng triệu người dân đồng bào lâm vào cảnh đói khát. Nạn đói khủng khiếp ở Trung Quốc những năm 1950 – 1960 đã để lại trong ông những tổn thương sâu sắc.

Viên Long Bình từng viết: “Trên đồng không còn gì bởi những người đói khát đã lấy đi mọi thứ có thể ăn được. Họ ăn cỏ, ăn hạt giống, ăn rễ cây dương xỉ, thậm chí là đất sét trắng.”

Hình ảnh người dân gầy gò, xanh xao vì thiếu ăn vẫn luôn ám ảnh Viên Long Bình. Chính nỗi đau cảm nhận từ những người đồng bào ấy đã thôi thúc ông quyết tâm tìm ra giải pháp để cải thiện vấn đề lương thực của người dân.

Xuất thân là một nhà giáo, Viên Long Bình đã lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học để giải quyết vấn đề trên. Trong những năm 1960, ông nảy ra ý tưởng lai tạo lúa để tăng năng suất sau khi đọc được những nghiên cứu tương tự đã thành công trên ngô và cao lương.

Lúa lai là giống lúa được tạo ra bằng cách lai tạo giữa hai giống lúa khác nhau. Quá trình này tương tự như việc lai tạo các giống vật nuôi để tạo ra con lai có những đặc điểm ưu việt hơn so với bố mẹ. Lý thuyết là thế, tất nhiên thực tế chẳng hề dễ dàng.

Viên Long Bình đã dành những năm tháng tuổi trẻ để tìm kiếm những giống lúa mới, năng suất cao, có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Trong thời điểm mà cái ăn, cái mặc là ưu tiên hàng đầu, mấy ai lại quan tâm đến những nghiên cứu khoa học không biết bao giờ mới gặt hái được kết quả?

Công nghệ lạc hậu, vật chất thiếu thốn, sự hoài nghi từ những người xung quanh và cả những bước đầu thất bại, Viên Long Bình mặc kệ những khó khăn, quyết tâm của ông vẫn không hề xoay chuyển.

Những nỗ lực ban đầu của Viên Long Bình không mang lại kết quả như mong đợi.

Năm 1970, đúng một thập kỷ miệt mài nghiên cứu, tại một vùng gần đường sắt ở Hải Nam, ông và nhóm nghiên cứu của mình đã phát hiện ra một giống lúa dại vô cùng quan trọng. Bằng việc sử dụng giống lúa này trong chương trình lai tạo, Viên Long Bình đã thành công tạo nên các giống lúa lai có năng suất tăng từ 20% đến 30%.

Ảnh hưởng của nghiên cứu này kéo dài tới ngày nay. Hiện có khoảng 50% diện tích trồng lúa ở Trung Quốc sử dụng giống lúa lai của Viên Long Bình đã tạo ra. Những giống lúa lai này chiếm tận 60% sản lượng lúa gạo của cả nước. Sản lượng lúa của Trung Quốc đã tăng đáng kể từ 56,9 triệu tấn năm 1950 lên 194,7 triệu tấn vào năm 2017.

“Siêu lúa” mà Viên Long Bình đã cải tiến cho năng suất cao hơn 30% so với giống lúa thông thường với kỷ lục năng suất đạt 17.055 kg/ha được ghi nhận tại huyện Vĩnh Thắng, tỉnh Vân Nam vào năm 1999.

Thành công của Viên Long Bình không chỉ dừng lại ở Trung Quốc. Giống lúa lai của ông đã được trồng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới, góp phần giải quyết vấn đề thiếu lương thực, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Với sức ảnh hưởng nâng tầm toàn cầu, bên cạnh “Cha đẻ của lúa lai”, giờ đây người ta gọi ông với danh xưng “Người anh hùng kết thúc nạn nghèo đói”.

Di sản để lại từ một đời cống hiến

Tại sao Viên Long Bình lại say mê nghiên cứu lúa lai đến vậy? Làm thế nào ông có thể đạt được thành tựu như vậy với điều kiện đơn giản, vật liệu khan hiếm, công nghệ lạc hậu và thông tin thiếu thốn?

Thế mới thấy, Viên Long Bình không chỉ là một nhà khoa học tài ba mà còn là một con người sống chăm chỉ, nhiệt huyết trước sứ mệnh mà cuộc đời giao phó. Phần lớn thời gian người ta thấy ông ở trên đồng ruộng thay vì chỉ quanh quẩn trong phòng thí nghiệm hay viết báo cáo như những công việc mỗi ngày của một giáo sư.

Viên Long Bình dành nhiều thời gian trên cánh đồng lúa.

Dù là một nhà khoa học nổi tiếng, Viên Long Bình vẫn giữ một lối sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên. Ông thường xuyên đến thăm đồng ruộng, trò chuyện với nông dân và tận tay chăm sóc những cây lúa của mình.

Bên cạnh đó, Viên Long bình còn là một nhà giáo dục tận tâm và luôn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Ông thường xuyên đi đến các trường học, các vùng nông thôn để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và truyền lửa đam mê cho các học sinh.

Được vinh danh như một người hùng lúa gạo của Trung Quốc, Viên Long Bình cũng không ngần ngại chia sẻ thành tựu của mình với các quốc gia khác. Năm 1980 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi Viên Long Bình quyết định chia sẻ những giống lúa lai quý giá của mình cho Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế.

Những giống lúa này sau đó đã được sử dụng để tạo ra các giống lúa lai có thể sinh trưởng và phát triển tốt ở các nước nhiệt đới, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho hàng triệu người từ Á đến Phi. Không dừng lại ở đó, Viên Long Bình và đội ngũ của mình còn trực tiếp hướng dẫn nông dân ở các nước khác về kỹ thuật trồng và chăm sóc lúa lai.

Một ngày tháng 5 năm 2021, Viên Long Bình đột ngột ngã quỵ tại phòng nghiên cứu lúa lai tại thành phố Tam Á. Người giáo sư ở tuổi 90 vẫn cần mẫn với những hạt gạo cho đến giây phút cuối cùng.

Sự ra đi của Giáo sư Viên Long Bình là một mất mát lớn, nhưng di sản của ông sẽ mãi trường tồn. Những hạt gạo thơm ngon mà ông đã tạo ra sẽ tiếp tục nuôi sống con người, những công trình nghiên cứu của ông sẽ tiếp tục được phát triển và ứng dụng.

Và hình ảnh của ông, một nhà khoa học vĩ đại nhưng giản dị, cần cù sẽ luôn là một hạt giống lành. Hạt giống ấy sẽ không ngừng được nhân rộng và tưới tiêu bởi các thế hệ sau, những người được ông truyền cảm hứng, cho đến khi cuộc sống của tất cả trở nên ấm no, đủ đầy giống như khát vọng của chính Viên Long Bình thuở ban sơ.

Nhóm thực hiện: Hoa Lạc
Hình ảnh: sưu tầm

CÁC BÀI VIẾT KHÁC
Ở Hoa Lạc không chỉ có hành trình “mở chữ" mà còn đong đầy những câu chuyện kể về văn hoá, lịch sử, về hơi thở thời đại của dân tộc Trung Hoa.
TƯ VẤN HỌC THỬ MIỄN PHÍ

Hoa Lạc chỉ sử dụng thông tin vào mục đích tư vấn khóa học, không sử dụng vì mục đích thương mại khác.