Xin keo – Gieo mảnh trúc, cầu điều may
![](https://hoalac.edu.vn/wp-content/uploads/2025/01/Xin-keo-8211-Gieo_Xin-keo-8211-Gieo_Muc-van-hoa-_17W9_o1e3.png)
掷筊 /Zhì jiǎo/ trở thành nét văn hoá phổ biến ở Trung Quốc và cũng là một phần trong văn hoá tín ngưỡng dân gian Việt Nam dưới tên gọi quen thuộc “Xin keo”. Qua việc gieo hai mảnh tre (keo), người ta hy vọng nhận được những chỉ dẫn từ “ơn trên”, qua đó an lòng hơn trước những quyết định quan trọng.
Niềm tin vào phước lành từ thần linh
Xin keo là một hình thức bói toán dân gian dựa trên việc gieo hai mảnh tre nhỏ. Mảnh tre này thường được gọi là “keo”, có hình bán nguyệt với một mặt dạt phẳng và một mặt lồi. Kết quả của việc gieo keo sẽ được giải đoán để đưa ra dự đoán về tương lai hoặc trả lời các câu hỏi mà người xin đặt ra.
Một trong những tôn giáo lớn của Trung Quốc – Đạo giáo đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển tín ngưỡng này. Người ta tin rằng các vị thần linh có thể ban phước lành và giúp con người giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Qua đó, việc gieo quẻ và xin keo là hình thức phổ biến để con người có thể kết nối và cầu xin sự phù hộ của thần linh.
![](https://hoalac.edu.vn/wp-content/uploads/2025/01/Xin-keo-掷筊-8_image_jm64_WTZw.png)
- 掷 /Zhì/: Ném
- 筊 /Jiǎo/: Trúc (mảnh tre, trúc)
掷筊 /Zhì jiǎo/ nghĩa đen là thảy mảnh tre, ở đây chính là thảy keo.
Để xin keo, người ta thường tìm đến các nơi thờ tự hoặc những người có khả năng giải đoán. Trước khi gieo keo, người xin sẽ khấn vái thần linh, trình bày nguyện vọng của mình. Sau đó, họ sẽ dùng hai tay cầm hai mảnh keo, khép chặt lại rồi tung lên. Cách rơi của hai mảnh keo sẽ quyết định kết quả.
Giải mã thông điệp “ý trời”
![](https://hoalac.edu.vn/wp-content/uploads/2025/01/Xin-keo-掷筊-8_xin-keo-2_K0Tw_N9AP.jpg)
Có 3 loại “cho keo”:
- 聖筊 /Shèng jiǎo/: KEO THÁNH
Một mặt sấp (mặt lồi) & một mặt ngửa (mặt dạt phẳng).
Đồng nghĩa với sự đồng ý, chấp thuận cho mong muốn, nguyện vọng của bạn.
- ️笑筊 /Xiào jiǎo/: KEO CƯỜI
Hai mặt ngửa (mặt dạt phẳng)
Vì nhìn hình dạng lật ngửa tương tự mặt cười nên keo này được gọi là “keo cười” và được người xưa nói vui rằng “Thần đang bật cười trước những mong muốn của bạn”. Do đó, keo này cũng đại diện cho hàm ý mong muốn của bạn chưa rõ ràng và không được chấp thuận.
- ️陰筊 /Yīn jiǎo/: KEO ÂM
Hai mặt sấp (mặt lồi)
Vì nhìn hình dạng sấp xuống trông khá giống gương mặt phụng phịu vì tức giận nên người xưa cũng cho rằng khi gieo được keo này chính là thần đang “tức giận” trước những mong muốn của bạn và không tán thành hay đồng ý trước câu hỏi hoặc dự định đó.
Đặc biệt, bạn phải gieo được liên tục 3 “keo thánh” thì những mong muốn của bạn mới chắc chắn được đồng ý, chấp thuận!
![](https://hoalac.edu.vn/wp-content/uploads/2025/01/Xin-keo-掷筊-8_xin-keo_c3Sx_cNl7.jpg)
Tục xin keo từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong văn hóa truyền thống của người Việt đặc biệt trong những ngày Tết đến. Nó không chỉ đơn thuần là một nghi lễ tâm linh mà còn là dịp để mọi người cùng nhau cầu nguyện, gửi gắm những mong ước tốt đẹp về cuộc sống, tiền tài, gia đạo.
Trong xã hội hiện đại với sự phát triển chóng mặt của khoa học công nghệ, tục lệ này vẫn được lưu giữ và truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác như một nét đẹp văn hóa truyền thống, hoàn thiện bức tranh phong phú về đời sống tinh thần, tín ngưỡng của cha ông ta.
Nhóm thực hiện
Hoa Lạc